Trung tâm phố núi Đà Lạt ra sao sau quy hoạch?
Theo báo Nhân Dân Thứ Tư, 10/04/2019, 09:56:09
NDĐT - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức công bố quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500, khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt. Đồ án này nằm trong định hướng quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vậy, diện mạo “trái tim” đô thị phố núi ra sao sau quy hoạch?
Theo đánh giá của chính quyền địa phương và giới chuyên môn khi tiến hành khảo sát, nghiên cứu triển khai đồ án quy hoạch, khu vực trung tâm Đà Lạt đã quá tải về mật độ xây dựng, mức độ tập trung dân cư và du khách khá cao (chủ yếu là sinh hoạt, mua bán, dịch vụ và mua sắm…); kiểu dáng kiến trúc của nhiều công trình dịch vụ, công cộng và nhà ở chưa tương xứng với giá trị vị trí quỹ đất tại khu trung tâm của đô thị; hầu hết công trình được cải tạo nâng cấp từ nguyên trạng nhà ở, chuyển đổi công năng, nâng tầng; nhiều khu vực công trình còn hiện tượng cơi nới, chắp vá tùy tiện, kém thẩm mỹ…
Trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt hiện có 1.064 hộ dân sinh sống, với quy mô dân số hơn 5.300 người, chỉ tiêu đất ở khoảng 14,6m2. Đây là điểm tập trung đầu mối giao thông của nhiều con đường hướng tâm, nhưng quy hoạch phân luồng tuyến giao thông chưa thuận tiện; các công trình phục vụ phần lớn là các dãy nhà phố liên kế, hoạt động thương mại còn mang tính cách riêng lẻ, hộ gia đình; một số công trình khách sạn, chợ Đà Lạt có hình thức kiến trúc riêng lẻ, kiểu dáng và quy mô không đồng bộ, chưa hài hòa với cảnh quan tự nhiên và cảnh quan đô thị… Chúng ta hoàn toàn có điều kiện làm cho khu vực này thành một trung tâm có ý nghĩa hơn và xác định đúng vai trò, chức năng của nó”, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng Lê Tứ cho biết.
Theo giới chuyên môn, Đà Lạt có ba loại kiến trúc được xem xét bảo tồn, gồm kiến trúc công trình tôn giáo, công trình công cộng và quỹ biệt thự. “Trên cơ sở loại hình đó, xét về khu trung tâm này, chúng tôi đã nghiên cứu, thống nhất với nhà tư vấn là Dinh tỉnh trưởng và chợ Đà Lạt là hai công trình phải được bảo tồn. Còn những công trình khác, các tài liệu không nói đến giá trị”, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Lê Quang Trung, cho biết.
Qua hiện trạng trên, nhiều người cho rằng, bộ mặt trung tâm hiện không tương xứng với thương hiệu thành phố du lịch, nghỉ dưỡng nổi tiếng Đà Lạt. Vì thế, trung tâm này phải được chỉnh trang lại bài bản, phù hợp với thực tế hiện nay, đó là nhu cầu phát triển đô thị, nhu cầu hoạt động của cư dân thành phố, nhu cầu khách tham quan…
Trung tâm Đà Lạt ra sao sau quy hoạch?
Khu Hòa Bình được xem là “trái tim” đô thị phố núi Đà Lạt. Theo đồ án quy hoạch mới, trung tâm Hòa Bình có diện tích 30 ha, thuộc phường 1, TP Đà Lạt. Với ý tưởng chủ đạo của quy hoạch chung TP Đà Lạt là “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”, chú trọng không gian xanh, giảm mật độ xây dựng, tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, cảnh quan khu vực… đồ án quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt phân thành năm khu chức năng, gồm khu vực chợ Đà Lạt và đường Nguyễn Thị Minh Khai, là khu vực chợ truyền thống kết hợp quảng trường trung tâm, khu phố đi bộ kết nối trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm; một số công trình cũ, không phù hợp trong khu vực sẽ được tháo dỡ để tổ chức không gian đi bộ và trồng hoa, cây xanh.
Phân khu hai là trung tâm Hòa Bình, đây là khu phức hợp đa chức năng, với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách. Trong đó, bố trí các tầng hầm phục vụ dịch vụ thương mại và bãi đậu xe; các tầng nổi từ ba đến năm tầng có chức năng dịch vụ hỗn hợp, nghiên cứu phương án bố trí các công trình có kiểu dáng kiến trúc hiện đại, đặc sắc phù hợp với cảnh quan của khu vực. Cụ thể, rạp hát Hòa Bình sẽ được dỡ bỏ, dãy phố sau bến xe Tùng Nghĩa cũng được giải tỏa thông thoáng. Khu Hòa Bình được thay thế bằng hai cụm kiến trúc mô phỏng bông hoa để làm khu phức hợp đa chức năng.
Phân khu ba là khu vực đồi Dinh, đây là khu thương mại, dịch vụ cao cấp; dự kiến xây dựng tổ hợp khách sạn cao cấp, tạo điểm nhấn và phù hợp cảnh quan khu vực. Dinh tỉnh trưởng sẽ được di dời nguyên khối đến một vị trí khác trong khu vực. Tiếp đến là phân khu chỉnh trang đô thị, sẽ tiến hành chỉnh trang kiến trúc công trình và cảnh quan các tuyến đường đi bộ, mục tiêu hình thành khu ở kết hợp thương mại, phát triển các loại hình dịch vụ, giải trí. Và khu vực ven hồ Xuân Hương, đây là khu vực các công trình dịch vụ - du lịch, khách sạn và công trình công cộng.
Với đồ án quy hoạch này, khu trung tâm - quảng trường Hòa Bình sẽ được kết nối không gian trên của chợ Đà Lạt, quảng trường chợ và các công trình dưới đất, tạo thành quần thể văn hóa, thương mại - dịch vụ, phục vụ cho toàn khu trung tâm Đà Lạt.
Những công trình dư luận quan tâm
Theo giải pháp thiết kế đô thị của đồ án, một số người tỏ ra tiếc nuối, lo lắng khi phải dỡ bỏ rạp hát Hòa Bình, di dời dinh tỉnh trưởng. Ông Đặng Văn Thông, nhiếp ảnh gia nổi tiếng với những bức ảnh trắng đen về Đà Lạt từ thập niên 50 thế kỷ trước, tỏ ra tiếc nuối khi nghe tin sẽ dỡ bỏ rạp Hòa Bình: “Khi nghe quy hoạch cho thành phố văn minh, tân tiến tôi rất vui. Những nhà kiến trúc, lãnh đạo chắc đã có những tính toán về sự phát triển. Tuy nhiên, dỡ rạp Hòa Bình cũng tiếc, vì tôi muốn lưu giữ một chút Đà Lạt xưa”. Nhiều người thuộc thế hệ “tiếp nối” cho rằng, những công trình không còn phù hợp thì nên thay thế. Đồng thời, cân nhắc kỹ với những công trình kiến trúc giá trị. “Phải hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, với không gian cảnh quan khu vực. Quy hoạch mới phải mang lại lợi ích về đời sống, kinh tế, văn hóa... Được như thế, tôi nghĩ mọi người sẽ rất đồng thuận”, ông Trần Phú Xuân, TP Đà Lạt, cho hay.
Thực ra, rạp hát Hòa Bình hiện nay, gốc là khu chợ được làm bằng cây. Đến năm 1937, được xây lại bằng gạch, quanh chợ là quảng trường. Năm 1953, được đổi tên thành Khu Hòa Bình. Năm 1960, chợ mới Đà Lạt hoàn thành và chợ cây được chuyển đổi công năng thành rạp hát Hòa Bình. Còn Dinh tỉnh trưởng (cũ) được xác định là công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc. Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng Lê Tứ, cho biết: Năm 2017, khi tiếp nhận đồ án quy hoạch, Hội có tổ chức tổ tư vấn phản biện để góp ý. Việc dỡ rạp Hòa Bình để xây dựng hai tổ hợp công trình mô phỏng bông hoa, về mặt nguyên tắc có thể thực hiện được. Tuy nhiên, chú ý công trình gần vị trí rạp hát cũ cần đảm đương thêm chức năng “điểm mốc đô thị”.
Tại khu vực đồi Dinh, quy hoạch mới có đề xuất xây dựng tổ hợp khách sạn khoảng bảy tầng. “Theo chúng tôi, tùy vào điều kiện cụ thể có thể xây dựng được, nhưng phải với quy mô thỏa đáng, vừa phải, để hình ảnh tòa nhà này không lấn lướt phần còn lại của quả đồi, để còn thấy được mảng xanh. Căn cứ thiết kế tổ hợp khách sạn, có thể cân nhắc giữ nguyên tòa Dinh thự này thì càng tốt, còn nếu di dời nguyên trạng thì cũng khá cân nhắc”, ông Tứ nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với hai công trình dư luận quan tâm trên, giá trị của nó cần được xác định bởi giá trị tự thân và mối quan hệ, ảnh hưởng của nó đến môi trường, bầu không khí đô thị để định đoạt. “Vấn đề bảo tồn được đặt trong sự phát triển, nhưng phát triển phải giữ cái gì cho Đà Lạt? Đó là quan điểm chung, xuyên suốt trong quá trình làm đồ án quy hoạch”, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng Lê Quang Trung, khẳng định.